Ta và Tạ Vi Hiền cũng cùng nhau học — ta thì tập viết chữ phồn thể và luyện cầm bút lông, còn Vi Hiền bắt đầu từ vỡ lòng.
Buổi chiều, bọn trẻ còn học thêm vài môn như võ thuật cơ bản, việc nhà…
Ngay buổi học đầu tiên, Vi Hiền đã bật khóc:
“Tại sao tên con nhiều nét thế…Còn tên ca ca lại dễ viết thế này… hu hu hu…”
Con bé vừa khóc vừa lau nước mắt, nhưng vẫn gắng gượng tiếp tục viết từng nét chữ xiêu vẹo.
Ta và Tạ Lan Đình nhìn mà cười vang.
Tạ Lan Đình còn chủ động dạy muội muội viết chữ, xoa đầu động viên:
“Từ từ học, không sao đâu. Chỉ cần bắt đầu viết, là đã có tiến bộ rồi.”
Nói hay thật — chỉ cần bắt đầu, thì không bao giờ là muộn.
Ngày tháng trôi qua.
Ngày nào cũng thế, đến bữa cơm ta lại hỏi hai đứa, mỗi đứa kể một chuyện — một chuyện vui và một chuyện không vui trong ngày.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Ban đầu cả hai còn ngại ngùng, không muốn nói mấy.
Nhưng rất nhanh sau đó, chúng cũng bắt đầu hỏi ta:
“Hôm nay mẫu thân có chuyện gì vui không? Có chuyện gì buồn không?”
Chúng ta cùng chia sẻ, gỡ rối cho nhau, lắng nghe tâm sự, học cách xử lý vấn đề.
Nhờ vậy mà chúng mở rộng hiểu biết, còn ta thì hiểu con cái hơn.
Chuyện này dần dần trở thành thói quen mỗi ngày.
Mỗi đầu tháng, ta sẽ cho hai đứa mỗi người một quan tiền.
Dặn chúng giữ lại một nửa để tiết kiệm. Phần còn lại có thể dùng mua gì tùy thích.
Không tiêu thì tích lại, khi đủ thì mua một món lớn.
Ta còn làm cho mỗi đứa một “quyển sổ tiết kiệm” — ghi lại số tiền mà chúng gửi ta giữ.
Thêm cả một cuốn sổ chi tiêu — ghi lại từng khoản chúng đã tiêu vào đâu.
Ta cũng dành ba ngày mỗi tháng, dắt chúng ra dạo quanh chợ, học hỏi giá cả thị trường.
Sau đó lại đến các xưởng sản xuất trong kinh thành, so sánh từng mức giá khác nhau.
Hai đứa ngạc nhiên vô cùng — chúng phát hiện mua từ nơi sản xuất thì rẻ hơn hẳn, thế là tiếc nuối vì mình từng mua với cái giá quá đắt ở các gánh hàng rong.
Quản gia thấy vậy thì không hiểu nổi.
Ông ta cảm thấy những chuyện đó là việc của hạ nhân.
Còn “con nhà giàu” thì nên học cầm kỳ thi họa, thơ văn lễ nghi mới đúng.
Lưu quản gia là một người rất tốt.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeydtruyen.com/xuyen-sach-vao-vai-ke-mau-cua-nam-phu-si-tinh/chuong-12.html.]
Dạo gần đây, để giúp Hầu phủ trông “cao cấp” hơn, ông ta thường chủ động kết thân với các quản gia khác trong những phủ đệ lớn, học hỏi cách người ta quản lý nội vụ, quy củ của các gia đình quyền quý… Rất siêng năng, rất có chí tiến thủ.
Ta biết ông ấy làm vậy là hoàn toàn có lòng tốt.
Ông lo rằng nếu Tạ Lan Đình và Vi Hiền chỉ học mấy thứ “vụn vặt tầm thường”, sau này ra ngoài sẽ bị người ta xem thường.
Nhưng điều ta mong muốn không phải là biến hai đứa thành công tử bột, hay tiểu thư nhà quyền quý.
Ta muốn chúng thành người thật sự, sống vững vàng, có ý chí, hiểu đời, sống tử tế và đàng hoàng.
Chẳng giống như trong sách — chỉ biết đắm chìm trong yêu đương si tình, sống theo cảm xúc mà chẳng hề đoái hoài đến chuyện đời thực.
Ta nhớ có lần từng đọc một quyển sách, kể về một vị Hoàng tử — sau khi rời khỏi hoàng cung mới biết…thì ra bánh phải ăn lúc còn nóng.
Bởi suốt những năm tháng trong cung, bánh được dâng lên đều đã nguội cả rồi.
Lại có một ông vua, khi còn tại vị, cứ tưởng giá gạo là mấy lượng bạc một cân, vì đó là mức giá mà phủ Nội vụ trình lên.
Chỉ đến khi triều đại sụp đổ, ông trở thành dân thường, mới ngỡ ngàng biết rằng… mình đã bị người ta lừa suốt bao nhiêu năm.
Nếu không hiểu vật giá, làm sao hiểu được nỗi khổ của dân?
Người đời vẫn thường cười chê Tấn Huệ Đế - Tư Mã Trung vì một câu hỏi nổi danh: “Dân không có gạo ăn, sao không ăn thịt?”
Nhưng suy cho cùng, trong mắt ông ta, thịt vốn là thứ nhà nào cũng có — bởi vì chưa có ai từng dạy ông hiểu thế nào là cảnh khốn cùng của dân gian.
Không ai dạy ông hiểu dân, nhưng lại bắt ông phải thương dân, chẳng phải vô lý quá sao?
Ta nói với Lưu quản gia:
“Con người không thể quên gốc gác. Chúng ta vốn sinh ra từ đất cát, thì phải hiểu chuyện đời thường. Sau này, dù làm quan hay tự lập mưu sinh, thì ít nhất… cũng không bị người ta lừa lọc.”
“Chuyện tiền bạc trong nhà, nhất định phải rõ ràng rành rẽ.”
Lưu quản gia nghe xong như trút được gánh nặng.
Giống như một sợi dây căng đã lâu nay được buông lỏng.
“Phu nhân nói rất đúng. Dạo này bị ảnh hưởng bởi người khác, ta lại quên mất Hầu phủ ta từ đâu mà có.”
“Dù ta có học theo quy củ người ta đến đâu, cũng chẳng học ra được dáng vẻ nhà họ. Hà tất phải ép mình đến vậy?”
Ông ấy nói rất đúng.
Chúng ta vốn là người phàm, sống sao cho thoải mái, vui vẻ, không thẹn với lòng là được rồi.
Chớp mắt một cái, đông qua xuân tới.
Phụ thân của Tạ Lan Đình — Tạ Tùy Trụ, nay đã đổi tên thành Tạ Chấn Thanh, đã quay về.
Sau khi vào cung bái kiến Hoàng đế, hắn cưỡi ngựa trở về phủ như bay.
Vừa đến cửa, Lưu quản gia đã vội sai người tới báo tin cho ta:
Tạ Chấn Thanh dắt theo một nữ nhân trở về.
Người đó còn khoác tay hắn rất thân mật.
Tạ Lan Đình nghe xong, mặt sa sầm.