Ta đã dò xét mấy học đường danh tiếng trong kinh thành, sau cùng chọn để mắt đến một nơi — học đường của nhà họ Tạ, một thế gia cũng mang cùng họ “Tạ”.
Ta gửi thiếp trước, rồi vào ngày hẹn, ta đích thân dẫn theo Tạ Lan Đình và Vi Hiền đến thăm.
Hai đứa nhỏ ăn mặc chỉnh tề, tướng mạo xinh xắn, ngoan ngoãn đứng cạnh ta.
Rõ ràng tò mò nhưng lại cố gắng không ngó nghiêng, lễ phép, hiểu chuyện, khiến người ta nhìn mà thương.
Ta chờ chừng nửa chén trà thì được tiếp đón bởi Tạ thiếu phu nhân — con dâu trưởng của gia tộc.
Nàng ta có khuôn mặt tròn đầy như ánh trăng, đôi mắt hạnh đào, má đào môi hồng — trông đoan trang, phúc hậu.
Nàng cười rất nhã nhặn, nói mẹ chồng bị ốm, nên sai nàng ra tiếp khách thay.
Lời nói khéo léo, lễ độ, không chê vào đâu được.
Thấy hai đứa nhỏ cũng tấm tắc khen vài câu.
Nhưng sau đó nàng liền cười tiếc nuối:
“Hai đứa trẻ thật ngoan, nhưng tiếc là học đường bên nhà ta đã chật kín, không còn chỗ để nhận thêm nữa.”
Còn chưa đợi ta mở lời, nàng đã chặn trước đường lui.
Lời từ chối quá nhẹ nhàng, khiến người ta không thể trách cứ.
Ta hiểu rồi.
Tuy cùng mang họ Tạ, nhưng bọn họ là thế gia cao quý — dĩ nhiên coi thường xuất thân lính tráng dân dã của phụ thân Tạ Lan Đình.
Họ không muốn con cháu mình học chung với tầng lớp thấp kém hơn họ, sợ lây nhiễm thói xấu.
Ta cũng không ép.
Chỉ khách sáo vài câu, để lại lễ vật, tuyệt không nhắc lại chuyện học hành.
Chỉ nói:
“Cùng mang họ Tạ cũng coi như có duyên. Hôm nay chỉ là vãn bối đến thăm hỏi, sau này nếu có gặp lại cũng đỡ ngỡ ngàng, tránh để xảy ra chuyện thất lễ khiến người ta chê cười.”
Rời khỏi Tạ phủ, ngồi trên xe ngựa.
Tạ Vi Hiền còn ngây ngô, cảm thấy hôm nay được ăn uống ngon miệng, liền vui vẻ ra mặt.
Còn Tạ Lan Đình thì sớm đã hiểu chuyện.
Ánh mắt trầm mặc đầy nghi hoặc — hắn biết mình lại bị người ta coi thường.
Dù hôm nay hắn đã mặc áo gấm, nhưng vẫn không được chấp nhận.
Hắn không hiểu tại sao.
Người lớn… đúng là phức tạp.
Kẻ giàu thì khinh người nghèo.
Kẻ làm quan lại xem thường giới buôn bán.
Thế gia vọng tộc lại khinh rẻ kẻ mới phất lên.
Mà ai nấy cũng mang đủ thứ thân phận, chồng chéo phức tạp.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.com.vn - https://monkeydtruyen.com/xuyen-sach-vao-vai-ke-mau-cua-nam-phu-si-tinh/chuong-11.html.]
Những chuyện như vậy, sau này khi hắn lớn lên, ắt sẽ dần dần hiểu rõ.
Nhưng hiện tại, ta chỉ muốn dạy hắn một điều duy nhất:
Phải học cách chấp nhận thất bại.
Bởi vì… đó là một phần bình thường trong cuộc sống.
Ta nhéo má Tạ Lan Đình, mỉm cười trấn an:
“Vậy là con nản lòng rồi sao? Chuyện chỉ vừa mới bắt đầu thôi mà.”
Con người lúc còn nhỏ, chỉ cần ngã một cái là khóc hu hu tưởng trời sắp sập. Nhưng khi lớn hơn một chút, nhìn lại, sẽ thấy hồi đó mình thật ngốc và đáng yêu.
Mười lăm tuổi thi rớt, cảm thấy đời mình tiêu tan. Nhưng khi hai mươi lăm tuổi nhìn lại, mới thấy đó chẳng phải chuyện lớn.
Hai mươi lăm tuổi bị sếp mắng, tưởng sắp bị đuổi việc. Nhưng đến ba mươi lăm tuổi thì đã thay bao nhiêu công việc, thậm chí còn “đuổi lại” mấy ông sếp tồi tệ rồi.
Chỉ cần sống đủ lâu, người ta sẽ nhận ra — đời này thật ra cho phép mình mắc sai lầm nhiều hơn mình từng nghĩ.
Vậy nên, chuyện bị nhà họ Tạ từ chối chẳng có gì to tát cả.
Chỉ cần bị từ chối đủ nhiều, thì một lời từ chối nữa cũng chẳng khác gì cơn mưa bụi đầu xuân — nhẹ tênh, chẳng đáng bận tâm.
Ta lại tiếp tục đưa hai đứa nhỏ đi xin học ở vài nơi khác — nhưng đều bị từ chối.
Trên đường trở về, Tạ Vi Hiền không còn cười nữa, dường như đã hiểu được thế nào là cảm giác “mình không được người ta ưa thích.”
Tạ Lan Đình mặt mày ủ rũ, nhìn ra ngoài cửa sổ đầy ưu tư.
Còn với ta thì, việc này chẳng hề hấn gì cả.
Nhớ lại ngày xưa ta từng “rải hồ sơ” khắp nơi mà không ai thèm gọi.
Sau cùng đành ký đại với một ông sếp tồi chỉ vì muốn ổn định sớm.
Lương ba ngàn mà bắt ta làm việc như lĩnh ba chục ngàn — ta gần như liều cả mạng vì cái công việc ấy.
Thế nên bây giờ ta nghĩ, càng bị từ chối nhiều, càng phải giữ vững tâm lý — biết đâu đây là ông trời đang cứu mình thoát khỏi cảnh khổ!
Nếu ta có thể xây học đường trong làng, thì tại Hầu phủ — chẳng lẽ lại không thể?
Ta không cần hai đứa học nhỏ ở trường danh giá.
Ta cần chúng thật sự học được điều hay lẽ phải.
Giờ đang là lúc hình thành nhân sinh quan. Học gần ta, để ta dạy cho cẩn thận, còn tốt hơn là phó mặc cho người ngoài.
Chờ đến khi Tạ Lan Đình thật sự cần danh sư, đến lúc đó — hắn đã có năng lực để tự giành lấy rồi.
Vậy là ta chọn một viện yên tĩnh trong Hầu phủ, sửa sang lại thành học đường.
Mời một vị tú tài họ Chu đến làm tiên sinh dạy học.
Chu tiên sinh lúc đầu nghe đến “Tạ phủ” còn tưởng mình được mời tới dạy cho gia tộc họ Tạ danh giá — phấn khởi lắm.
Đến khi biết đây là Tạ phủ của “võ tướng xuất thân bình dân”, mặt ông ấy xụ xuống thấy rõ.
Truyện được dịch và đăng tải bởi Diệp Gia Gia
Nhưng rồi, chỉ cần lần đầu chứng kiến Tạ Lan Đình học một lần là nhớ ngay, ông ấy lập tức hừng hực khí thế:
“Dù ta thi rớt suốt mười năm, nhưng đệ tử của ta nhất định sẽ đỗ Tam Nguyên liên tiếp!”