Thông báo
🔥[SỰ KIỆN ĐẶC BIỆT] CHÀO HÈ – NHÂN ĐÔI GIẢI THƯỞNG ĐUA TOP 🔥 Xem chi tiết

Sao nỡ làm Muggle giữa thế giới phép thuật - Chương 1: Một gia đình Anh điển hình

Cập nhật lúc: 2025-05-17 05:59:00
Lượt xem: 5

Cái ngày gia đình Gibson chuyển đến Little Clifton là một ngày trời nắng đẹp. Một buổi sáng khô ráo hiếm hoi đầu tháng 7, khi mà người ta đã quá chán ngán với những ngày mùa hè mưa rả rích của tháng 6, bỗng nhiên được tiết trời ban tặng cho một hôm ấm áp vô cùng thích hợp để đi dạo quanh bờ sông Thames, hay để những cô cậu chàng trai tuổi đôi mươi nằm dài phơi nắng trên bãi cỏ ngoài công viên Little Garden, trò chuyện rôm rả về kế hoạch đi đâu chơi trước mùa tựu trường.

Ông Gibson lái chiếc xe Ford đời cũ, cái loại mà thanh niên Anh hiện giờ chẳng mấy ai ưa chuộng, đỗ ngay ngắn trước căn nhà vừa mới sang tên ở số 13 đường Số 4 (Road 4). 

“Lại một sự lười biếng của mấy tay quy hoạch đô thị! Đường Số 1, đường Số 2, rồi 3, 4, 5,... người ta cứ thế đếm số cho mấy con đường mà chẳng thèm suy nghĩ đặt cho chúng cái tên hẳn hoi gì cả! Privet Road, Spinner's End hay cái gì đại loại vậy, hàng hà sa số những cái tên để chọn, và rồi họ chọn đặt 1, 2, 3, 4.” Người đàn ông trung niên trạc ngoài 50 bước xuống xe, vừa lẩm bẩm càu nhàu vừa khệ nệ mở cửa giúp vợ, sau đó bước nhanh ra cốp sau dỡ xuống mấy chiếc vali cỡ to.

“Ôi thế này dễ hơn đấy chứ anh! Chứ thử nghĩ coi đường này mà đặt tên Little Small Town Road gì đó chẳng hạn, rồi đằng kia Little Big Town đi, rồi đằng kia Big Big Town,... chắc em sống ở đây cả năm cũng chẳng phân biệt nổi mất.” Một người phụ nữ trung niên trả lời chồng, rồi tự cười vì câu đùa của mình. Bà mất 2 phút ngó quang cảnh xung quanh căn nhà mà gia đình mình sắp sinh sống trong những năm kế tiếp, có vẻ hài lòng với mảnh sân trước rộng rãi, rồi cũng giúp chồng khuân các vali hành lý vào nhà.

Người thứ ba xuống xe là một cậu trai tuổi tầm 16, tóc màu nâu sáng, xoăn tự nhiên, tạo nếp thời thượng mà mấy cô gái ở tầm tuổi cậu vô cùng yêu thích, dù mái tóc ấy là tặng phẩm trời ban hay là kết quả của hộp sáp vuốt By Vilain thì chỉ có cậu chàng mới biết. Cao 1m76, vóc dáng rắn chắc của một thanh niên năng tập thể thao từ nhỏ, đứa con trai lớn Harris nhà Gibson lúc nào cũng nở nụ cười tỏa nắng trên môi, liếc nhanh qua căn nhà mới chỉ chưa đến 5 giây rồi vừa chạy đến phụ cha mẹ khuân vác, vừa nói:

“Ui xời ai mà đặt tên đường là Big Big Town chứ mẹ! Mẹ lấy ví dụ thì cũng thực tế chút chớ, nhưng mà con đồng ý là đặt số dễ nhớ hơn. Để coi nhà mình ở đường Số 4 nè, trường con ở đường Số 23 nè, sân bóng ở Số 12 nè.” 

Cậu quay ra cô bé là người cuối cùng của nhà Gibson bước xuống xe, cười nói:

“Rồi trường tiểu học của Selly ở đường Số 7 nè. Nè Selly, em có muốn anh đưa đón em đi học trong tuần đầu tiên không? Anh thấy đường khá xa đó, đi lạc như chơi.”

“Khỏi Hai ơi, có xe buýt của trường đưa đón mà, ở Down Perham em đã đi lạc bao giờ đâu.”

“Ờ he, em gái anh thông minh nhất nhà mà! Nhớ mấy cái đường nhằm nhò gì!” 

“Nhưng em con sẽ không đi học trường công nữa, chúng ta đã nói với con rồi mà, cha mẹ quyết định cho Selly học ở nhà đến 16t phải theo giáo dục bắt buộc.” Bà Gibson vừa đánh giá căn bếp khi cả nhà đã bước vào trong, vừa nói với cậu con trai lớn: 

“Con lo cho con kìa, 2 năm nữa là lên Đại học rồi, con mà vô mấy cái trường cao đẳng cộng đồng gì đó là chuyển ra khỏi nhà luôn đi nhe, cả năm học chỉ toàn chơi bóng rồi đàn đúm với mấy đứa trong câu lạc bộ điện ảnh gì gì đó của con, chẳng thấy học hành gì sất.”

Nhưng chưa kịp để cậu con phản bác, ông Gibson đã quay sang vợ: “Chúng ta chưa chốt có cho Selly học ở nhà hay không mà em, ít nhất là anh chưa quyết định thế đâu. Mình còn cần phải đến thăm quan trường hẳn hoi, hỏi thăm giáo viên thế nào đã chứ. Học ở nhà cũng có cái lợi của học ở nhà, anh biết, anh biết, nhưng tuổi này mà hạn chế con trẻ khỏi giao tiếp xã hội thì không ổn lắm đâu, nhất là Selly mới chừng ấy tuổi, đang trong giai đoạn cần phát triển nhận thức xã hội chớ.”

Chuyện đi học của hai người con là lý do chính mà ông bà Gibson chuyển từ tận Down Perham đến đây, bên cạnh việc sống ở Little Clifton thì thuận tiện cho ông đi đến chỗ làm hơn. 

Ông Gibson vừa được mời làm Giáo sư giảng dạy ở Đại học O, cái trường đại học mà người dân khắp năm châu bốn bể vừa nghe đến thôi sẽ thốt lên “Ồ wow” liền. Giáo sư Vật lý Hanz Gibson dù không phải là cái tên quá kỳ cựu trong giới học thuật Anh Quốc, mà thực tế thành tựu nghiên cứu của ông cũng không có gì gọi là xuất sắc giữa một quốc gia đã sản sinh ra quá nhiều nhà khoa học và bác học này, nhưng ông được ngưỡng mộ vì đã dành phần lớn cuộc đời mình để dìu dắt thế hệ tiếp theo, dù rằng sinh viên của ông hiếm người nào hiểu hết được những gì ông đã truyền đạt.

[Truyện được đăng tải duy nhất tại MonkeyD.net.vn - https://monkeydtruyen.com/sao-no-lam-muggle-giua-the-gioi-phep-thuat/chuong-1-mot-gia-dinh-anh-dien-hinh.html.]

Vợ ông, bà Matilda Gibson, thể hiện ít ham muốn dạy dỗ thế hệ trẻ như chồng, mà tận tụy với công việc chăm sóc người cao tuổi hơn cả. Bà làm y tá ở viện dưỡng lão, một loại phúc lợi xã hội mà theo như bà đánh giá thì Anh là quốc gia có phúc lợi dành cho người cao tuổi tệ nhất cả châu Âu. Đức tính quan tâm và chăm sóc của bà thể hiện rõ nét qua sự vun trồng chăm chút đối với gia đình, nơi mà hai đứa con nhà Gibson đều lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ, mang tấm lòng bao dung và hay giúp đỡ mọi người xung quanh. Hồi còn ở Down Perham, Gibson là gia đình kiểu mẫu trong mắt hàng xóm láng giềng, hai người lớn thì tận tụy với công việc, hai đứa trẻ thì ngoan ngoãn lễ phép, sống chan hòa. 

Có chăng, điều làm một số người không thân quen lắm hay thắc mắc là, tại sao đứa con gái nhỏ nhà Gibson lại mang đôi nét lai Á, dù cô bé mới lên 10 chưa đến tuổi trổ mã của con nít châu Âu nữa.

Cô bé Giselle ‘Selly’ Gibson có khuôn mặt trái xoan nhỏ nhắn đặc trưng của con gái châu Á, nhưng mũi cô bé nhỏ và cao, chứ không phải dáng mũi hơi tẹt như mấy đứa trẻ nhà Wang sống ở đầu đường Số 3. Đặc điểm di truyền rõ nét nhất của nhà Gibson trên người cô bé là ở mái tóc màu nâu sáng, dày và khỏe, dù mọc trên đầu một cô bé mới lên 10 nhưng đã gợn sóng tự nhiên, màu tóc sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, những sợi tóc dài xõa tung đung đưa như reo vui khi cô bé chạy giỡn theo anh hai Harris quanh sân nhà. 

Nhưng khác với màu mắt xanh lơ của hai người đàn ông nhà Gibson, cũng khác với màu mắt xanh sẫm của bà Gibson, cô con gái út sở hữu đôi mắt màu nâu sẫm, một đôi mắt mang nét trầm buồn tự nhiên, đôi khi người ta bắt gặp ánh nhìn u uất phát ra từ trong sâu thẳm đôi con ngươi buồn bã đó, trong những buổi chiều tà cô bé ngồi một mình trên bãi cỏ ngắm nhìn mặt trời khuất lặn, mang mác nét u hoài mà người ta tự hỏi tại sao lại có thể xuất hiện trên gương mặt của một đứa trẻ con mới chào đời được mấy năm kia chứ.

“Con bé đó trầm tính, khác hẳn với thằng anh Harris của nó. Từ nhỏ đã hiếm khi khóc, đi nhà trẻ với mấy đứa chung xóm mà tụi nó khóc bù lu bù loa chứ con nhỏ chẳng khóc chút nào. Ngoan ngoãn nhất đám trẻ ấy chứ chẳng đùa, có điều ít thấy nó ra chơi với tụi nhỏ, ừm,... ít thấy ra ngoài chơi lắm, ông bà Gibson hổng sợ con nhỏ buồn hay sao mà cũng không thấy giục nó ra chơi với chòm xóm láng giềng gì cả. Còn thằng Harris, ôi từ nhỏ đã đầu têu cả đám nít ranh, mùa hè nào cũng chơi banh chơi bóng ngoài bãi công viên cả ngày... Được cái cha mẹ nó có học thức, dạy dỗ hai đứa con ngoan ngoãn.”

Đó là láng giềng ở Down Perham nhận xét như thế về gia đình Gibson, và có lẽ láng giềng Little Clifton cũng sẽ có đánh giá tương tự. Có chăng khi chòm xóm mới hỏi tại sao cô con gái út lại mang nét lai Á, ông Gibson sẽ cười đáp rằng:

“À nhà tôi có gốc Á đấy chứ. Ông cụ nội tôi từng đi lính ở Nhật, 5 năm sau về nước đem theo ông nội tôi lúc đó chưa đầy 1 tuổi. Ban đầu ông cụ không có kể gì về bà mẹ của nội tôi, mà nội tôi lớn lên cũng mắt xanh mũi lỏ. Đến khi cụ nội chết, ông nội mới tìm thấy hình một người phụ nữ mặc kimono trong di vật ông để lại, nội bay về Nhật mấy lần cố tìm nguồn cội, nhưng đến c.h.ế.t cũng không tìm lại được người phụ nữ ấy, cũng không thể xác nhận mình có phải là con trai của bà hay không. Nội có ba tôi rồi ba tôi có tôi, chẳng thấy nét Á nào, thế mà đẻ ra con bé Selly lại lai Á! Di truyền học thú vị quá hen, tôi đồ rằng gen châu Á nhà tôi là gen lặn, lặn mất tăm mất tiêu mấy đời mới hiện lên đó chớ!”

Lẽ dĩ nhiên, dù là người tọc mạch nhất cũng chẳng thèm bận tâm truy tra gia phải nhà người ta làm gì, chứ chưa kể đến những người sống ở Little Clifton đều có mối bận tâm thường nhật khác của mình, chuyện công sở, chuyện con cái, chuyện thời tiết, rồi còn hầm bà lằng những vấn đề nảy sinh hằng ngày hằng giờ ở thế giới ngoài kia.

Nhà Gibson nhanh chóng trở thành một láng giềng hòa ái, có công việc ổn định đáng được trọng vọng, cậu con trai Harris chỉ tốn thời gian 1 tháng là đã quen thuộc hết với mọi học sinh lẫn thầy cô ở ngôi trường mới, nơi cậu chẳng chóng thì chầy trở thành chàng trai được yêu quý vì bản tính vui tươi. Bóng rổ từ xưa đến nay luôn là bộ môn thể thao được ưu ái hàng đầu trong mọi câu chuyện thanh xuân vườn trường của cả Á lẫn Âu, và cậu chàng Harris thì chơi môn này vô cùng điêu luyện.

Thi thoảng cậu cũng mang em gái đến xem mình tập ở những giờ ngoại khóa của trường, hay để em ngồi chơi xích đu ở công viên sát bên khi cậu chơi cùng mấy người bạn ở sân bãi bên cạnh. 

“Thể thao là phải kiên trì luyện tập mẹ à.” 

Cậu cười nhe hàm răng trắng bóng trả lời khi mẹ cằn nhằn vì cậu dành thời gian cho bóng rổ quá nhiều, thứ mà trong mắt bà là cậu sẽ không thể chơi đủ giỏi để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, thế thì tại sao không chia bớt thời gian để chuẩn bị cho con đường tương lai phù hợp hơn, ấy là vào được một trường đại học danh tiếng.

Nhưng ông Giselle có quan điểm cấp tiến hơn vợ mình nhiều, có lẽ vì kinh nghiệm nghề giáo nhiều năm cho ông biết rằng thằng con ông sẽ không thể ngồi nghe nổi hết giờ dạy của mình ở trường đại học nếu không ngủ gục hoặc là đánh game. 

“Thôi con nó thích thì em cứ để con chơi, 16 tuổi phơi phới mòn đ.í.t trên ghế nhà trường chi cho phí hoài tuổi xuân. Ít nhất nó mê bóng rổ, mê điện ảnh với mấy con xe đời mới thôi, còn đỡ hơn thằng con nhà Reid kìa...” Nói tới đây ông im bặt.

Thằng con nhà Reid sống cách nhà họ chừng 2 dãy phố hồi ở Down Perham, là lý do mà ông bà Gibson quyết định chuyển đi.

Loading...