SAU KHI BỊ TỪ HÔN ĐỜI TA LÊN HƯƠNG RỒI - Chương 249
Cập nhật lúc: 2025-03-25 08:27:22
Lượt xem: 49
Năm xưa không biết, cứ ngỡ mình đã thôi để tâm đến chàng, đến bây giờ khi mang thai lần nữa, nàng mới ngộ ra rằng, năm ấy mình đang nhớ nhung cha của đứa bé, mong chàng có thể cùng nàng tận hưởng niềm vui lẫn đắng cay mà con mang đến biết nhường nào.
“Bổn Bổn rất ngoan, con hiếm khi làm phiền thiếp...” Nàng nghẹn ngào.
Hoàng đế nhắm mắt lại, lòng đau đớn khôn xiết, rũ mắt nói: “Bổn Bổn biết phụ thân nó không ở bên cạnh, nên đau lòng thay mẫu thân...”
Ba năm ấy, chung quy vẫn là sự hối hận và nỗi đau trong lòng hai người.
Nếu có kiếp sau, chàng tuyệt đối sẽ không để nàng chịu đựng khổ cực như thế này.
Những ngày về sau, hàng ngày Hoàng đế chỉ đến tiền đình thị triều hai canh giờ, thời gian còn lại chàng đều bầu bạn cạnh Phó Nhiêu và Bổn Bổn.
Phó Nhiêu ngủ, chàng sẽ ôm Bổn Bổn đọc sách tập viết, Phó Nhiêu tỉnh dậy, chàng lập tức buông con ra, đi bầu bạn với Phó Nhiêu.
Nhị Công chúa và Tam Công chúa thường xuyên đến chơi, Hoàng đế cũng dốc lòng dạy bảo các nàng.
Đầu tháng Tư, kỳ thi mùa xuân kết thúc, Phó Khôn mười lăm tuổi đỗ tiến sĩ, danh tiếng nổi hơn trước đây.
Chỉ hơn nửa năm ngắn ngủi, Phó Khôn đã chững chạc hơn rất nhiều, sau khi làm quốc cữu, trọng trách trên người càng ngày càng nặng nề, tất cả ánh mắt đều đổ dồn lên người cậu, Phó Khôn muốn làm chỗ dựa cho tỷ tỷ mình, cậu không thể để Phó Nhiêu đơn độc chống đỡ trong cung, cậu muốn nói cho Hoàng đế rằng còn có huynh đệ chống đỡ cho tỷ tỷ.
Quả nhiên cậu không khiến người đời thất vọng, lúc Lễ bộ công bố bảng vàng, tên cậu xuất hiện nổi bật, khoảnh khắc ấy, mọi áp lực được phóng thích, lệ trào khoé mắt.
Ngay sau đó, kim kiện truyền lô(*) vào ba ngày sau.
(*)Truyền lô: xướng danh những người thi đỗ.
Tân khoa tiến sĩ đều chờ đợi bên ngoài điện Phụng Thiên, các quan viên sao chép bài thi lại, xếp hàng ngay ngắn ở hai bên kim điện đọc bài thi, người đọc bài là nội các đại học sĩ, có điều phần đáng chú ý là bài thi của ai được đọc đến, người đó có khả năng trở thành nhất giáp(*) tam nguyên nhất.
(*)Nhất giáp: người xếp hạng nhất hoặc ba ứng viên hàng đầu đỗ thi Đình.
Nếu Hoàng đế lười biếng, nghe xong vài bài thi không nghe nữa thì cho phép nội các đọc mấy bài rồi tiện tay định ra Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.
Đại thần nội các biết Hoàng đế để tâm đến tiểu cữu tử, tất nhiên người đầu tiên sẽ đọc bài thi của Phó Khôn.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại monkeydtruyen.com - https://monkeydtruyen.com/sau-khi-bi-tu-hon-doi-ta-len-huong-roi/chuong-249.html.]
Nhưng Hoàng đế biết cây cao hơn rừng ắt bị gió quật(*), yêu cầu tất cả đại thần đọc hết toàn bộ bài thi.
(*)Nguyên văn của câu này là “Mộc tú vu lâm phong tất tồi chi”, ý nói nhân vật tài hoa hơn người dễ bị đố kỵ và chỉ trích.
Đợt thi này đọc từ ban sáng đến khi trời tối, sau cùng các đại thần nội các cũng tranh cãi vì tam giáp.
Phó Khôn vẫn đứng thứ nhất với tài hoa xuất chúng.
“Bệ hạ, Phó Khôn văn chương thạo đời, lập ý sâu xa, liền mạch lưu loát, quả là thiên tài, có thể đứng đầu nhất giáp!”
Sau khi Hàn Huyền và Trình Khang đọc qua văn chương của Phó Khôn, hai người đều cực kỳ tán thưởng.
Có điều đại thần nội các mới nhậm chức, Hộ bộ Thượng thư Chương Tri Khách lại cho rằng tuy Phó Khôn đưa ra mấy điều lại trị(*) tốt nhưng khó thực hiện được, nên nhường cho bài văn chặt chẽ và giản dị khác xếp hạng nhất.
(*)Lại trị: chỉ tác phong và thành tựu chính trị của quan lại thời xưa.
Chương Tri Khách là người thực tế, y không nghĩ rằng một thiếu niên mười mấy tuổi có thể làm Trạng Nguyên.
Hoàng đế chọn ra vài bài văn tốt nhất, đọc kỹ càng mấy lần.
“Phó Khôn tài ba hơn người, văn chương gấm vóc, quả là nhân tài hiếm có. Liễu Như Huy áng văn châu ngọc, đánh trúng trọng điểm, chính là vị quan làm việc đến nơi đến chốn. Lại có vị Tào Thiếu Thiên này, trích dẫn kinh điển, tài văn hoa mĩ, chữ viết đẹp đẽ...”
“Theo trẫm thấy, ba người này đều có tài làm Trạng Nguyên, chỉ là trong câu chữ của Liễu Như Huy thể hiện phẩm cách sáng suốt và nghiêm nghị, có thể làm đệ nhất, Tào Thiếu Thiên là Bảng Nhãn, Phó Khôn ấy à, tuổi trẻ thuần khiết mặc sức tung hoành, hợp với Thám Hoa lang.”
Trong ba người, Phó Khôn là người tướng mạo xuất chúng nhất, được chọn làm Thám Hoa lang.
Nhưng bá quan vẫn cảm thấy Liễu Như Huy nghiêm khắc có thừa, Tào Thiếu Thiên từ ngữ trau chuốt quá hoa lệ, chỉ có Phó Khôn kiêm cả ba, không chọn Phó Khôn làm Trạng Nguyên lại ấm ức cho cậu.
Song Hoàng đế lấy lý do Phó Khôn còn trẻ thiếu trải nghiệm, bác bỏ thỉnh cầu của bá quan.
Ban đêm, Hoàng đế “chịu đòn nhận tội”, kể chuyện ngày hôm nay cho Phó Nhiêu nghe.
Phó Nhiêu đang sửa sang lại quần áo cho con, bật cười nói: “Nếu Khôn Nhi được chọn làm Trạng Nguyên, thế nhân đều nói bệ hạ thiên vị, dù tài giỏi đến mấy cũng không thoát khỏi miệng lưỡi thiên hạ.”
“Bằng cách này, bá quan không những cảm thấy Khôn Nhi có tài, mà còn ấm ức thay nó, danh cũng có, lợi cũng có, vừa bảo toàn thanh danh công chính vô tư của bệ hạ, cũng để Khôn Nhi không phải bị người đời công kích, xưa giờ bệ hạ mưu tính sâu xa, thần thiếp yên tâm nhất về chàng.”
Lòng Hoàng đế được an ủi, ôm nàng vào lòng: “Có được thê tử như nàng, trẫm còn cầu gì nữa, người đời đều vì tranh giành thanh danh nhất thời mà tổn hại lợi ích nửa đời, chỉ có mình Hoàng hậu của trẫm mang cái nhìn khác người thường.”