Hoàng Hậu Chạy Trốn - Chương 82
Cập nhật lúc: 2025-02-07 20:08:26
Lượt xem: 128
Mười bốn tháng Chạp, trời tờ mờ sáng, ánh ban mai vừa hé xuyên qua những áng mây.
Tiếng ồn ào bên ngoài bờ tường đánh thức Phó Nhiêu, mí mắt nàng nặng trĩu, không sao mở mắt nổi, hình như có ánh sáng chiếu vào, nàng rúc vào chăn, lười biếng nghiêng người.
Thu Hương đã thức dậy từ sớm, nàng ấy vén rèm châu lên nhìn bên trong xem sao, thấy Phó Nhiêu ngủ say thì nhẹ nhàng buông rèm châu xuống, dứt khoát ôm một sọt kim chỉ xếp ngay ngắn lại dưới cửa sổ, qua một lúc lâu, trời đã sáng, bỗng nhiên nghe thấy bên trong có tiếng nôn, nàng ấy lập tức quăng cái sọt xuống, nhanh chóng quay người đi vào.
“Cô nương!”
Phó Nhiêu đã nằm sấp trước sạp nôn dịch chua vào ống nhổ, Thu Hương vừa giúp nàng vuốt lưng, vừa lau khóe môi cho nàng, đợi nàng hết nôn nghén, lại dìu nàng tựa vào gối, đưa tới một ly nước nóng để làm ấm bụng.
Phó Nhiêu nôn đến choáng váng đầu óc, mệt mỏi nhắm mắt thở hổn hển.
Chốc lát sau, ngoài hành lang truyền đến tiếng nói loáng thoáng của Trịnh thị, nàng đoán là bà dẫn Đào Nhi đến.
Phó Nhiêu chóng mặt, người nặng nề, nàng cố chống người ngồi dậy, nở nụ cười với Trịnh thị vén màn đi vào.
“Mẫu thân, dậy sớm vậy là có chuyện gì sao?”
Trịnh thị liếc xéo nàng, mỉm cười ngồi xuống trước sạp của nàng, chỉ ra ánh mặt trời sáng choang bên ngoài: “Sáng bảnh mắt rồi mà còn sớm hả? Phải rồi, mẹ thấy mấy ngày nay tinh thần con không tốt, chẳng lẽ mơ thấy ác mộng, đúng lúc hôm nay mẹ muốn đến miếu thờ quyên góp một bài vị Trường Sinh(*) thay phụ thân con, tranh thủ làm xong chuyện này trước Tết, con theo mẹ đến chùa Đại Báo Ân, đi cho người bớt xúi quẩy.”
(*)Bài vị Trường Sinh: Là bài vị dùng để cầu phúc lành và trường trọ cho ân nhân, không phải là linh bài, mà là bài vị lập cho người sống, nhằm mục đích cảm tạ ân đức, cầu nguyện hạnh phúc và trường thọ đến với người đó.
Phó Nhiêu nghe vậy, phản ứng đầu tiên là nhíu mày, sau đó nghĩ về chuyện muốn lập bài vị Trường Sinh cho phụ thân, nàng cũng không yên lòng để Trịnh thị đi một mình, đành nói: “Vâng, vậy mẫu thân chờ một lát, con thu dọn xong sẽ theo mẹ ra ngoài.”
Trịnh thị liếc nàng thêm lần nữa, gật đầu đi chuẩn bị hành trang trước.
Sắp đến Giao thừa, Quốc tử giám đã cho tan học về nhà từ lâu, dạo gần đây Phó Khôn đều ôn tập ở phủ, hôm nay hiếm có dịp Trịnh thị và Phó Nhiêu cùng ra ngoài, tất nhiên nam đinh duy nhất là cậu phải cưỡi ngựa đưa đi.
Đoàn người xe ngựa nối đuôi, không bao lâu đã đến chùa Đại Báo Ân.
Phó Khôn nhìn thấy dòng người đông nghìn nghịt trước chùa, không khỏi tò mò, dặn dò Xuân Lai: “Ngươi đi hỏi thăm thử, hôm nay trong chùa có việc gì không?”
Xuân Lai lập tức chạy tới chỗ tiểu tăng đón tiếp và tiễn khách ở cổng núi.
Phó Khôn xuống ngựa, tìm một chỗ đất bằng rộng rãi dừng xe, dặn dò hộ vệ buộc chặt xe ngựa, đích thân gác bàn đạp, đỡ Trịnh thị và Phó Nhiêu xuống xe.
Một lát sau, Xuân Lai thở hồng hộc chạy về, mặt mũi hớn hở: “Phu nhân, hôm nay chúng ta tới đúng dịp, họ nói là đại sư Phổ Đà của chùa Đại Báo Ân hồi kinh, vị đại sư này nổi tiếng về xem tướng, hôm nay có không ít phu nhân quan lại trong thành dẫn thiếu gia, cô nương tới đây, muốn mời đại sư Phổ Đà phê mệnh(*).”
(*)Phê mệnh: Là một thuật toán tính vận mệnh và được viết lên giấy.
Vừa nghe vậy, Trịnh thị vui mừng, kéo tay Phó Nhiêu luôn miệng nói tốt: “Tốt, tốt quá rồi, đúng lúc xem bói cho hai đứa con, khi nào đứa lớn được gả đi, còn đứa kia có thể thi đỗ không?”
Tỷ đệ Phó Nhiêu nghe lời này đều bày ra vẻ mặt khổ sở.
Trịnh thị không để ý tới hai người, kéo Phó Nhiêu đi vào trong.
Phó Nhiêu lặng lẽ rút tay ra khỏi tay bà, chu miệng làm nũng nói: “Mẹ, mẹ đừng nóng vội, bây giờ không đến lượt chúng ta đâu, không phải mẹ muốn lập một bài vị Trường Sinh cho phụ thân sao, chúng ta làm xong chuyện này trước đã, buổi chiều lại đi xem tướng cũng không muộn.”
Vân Mộng Hạ Vũ
Trịnh thị lắc đầu, kiên quyết nói: “Không được, bài vị Trường Sinh của cha con tạm thời không gấp, chúng ta đi xem tướng trước, vị đại sư Phổ Đà này chỉ có thể gặp mà không thể cầu, Đào Nhi mau đi hỏi thăm đại sư Phổ Đà trọ lại ở nơi nào?”
Đào Nhi làm mặt quỷ với Phó Nhiêu, cười híp mắt chạy đi.
Một lát sau, Đào Nhi chen ra khỏi đám người thất vọng ra về: “Phu nhân, nô tì nghe ngóng được là đại sư Phổ Đà xem tướng ở điện Tập Hiền, không phải ai cũng vào được, phải có thiếp viết tay của cao tăng chùa Đại Báo Ân mới được.”
Trịnh thị nghe xong thì thất vọng vô cùng, im lặng hồi lâu, bà lắc đầu thở dài: “Đi lập bài vị Trường Sinh cho phụ thân con thôi.”
Phó Nhiêu và Phó Khôn như trút được gánh nặng.
Đoàn người lướt qua đám đông tiến vào Đại Hùng Bảo Điện, trong điện thiền sương khói mịt mờ, khách hành hương tụ tập kín mít, các tăng nhân bận rộn tiếp khách đến nỗi chân không chạm đất, sau đó lề mề cả buổi, cuối cùng cũng có bồ đoàn trống, mẫu tử ba người vội vàng bái Phật, sau đó đi tới trắc điện quyên góp tiền hương hỏa.
Phó Khôn thấy Phó Nhiêu lơ đễnh, liền tiến lên đỡ Trịnh thị: “Mẹ, tỷ tỷ mệt rồi, để cho tỷ nghỉ ở đây một lát, con đi lập bài vị Trường Sinh với mẹ.”
Phó Nhiêu không yên tâm, Phó Khôn kiên trì: “Tỷ tỷ, đệ trưởng thành rồi, cũng nên đảm đương chút chuyện, sau này tỷ tỷ đỡ nhọc lòng hơn.”
Phó Nhiêu phì cười, vuốt tóc mai, để lộ nụ cười mệt mỏi: “Được, ta đến Quan Âm Đường chờ mọi người.”
Trịnh thị nhìn nàng thở dài mấy tiếng, chỉ cảm thấy trong lòng sầu lo phiền muộn, bước ra ngưỡng cửa trước.
Phó Khôn cười với Phó Nhiêu, lập tức đuổi theo.
[Truyện được đăng tải duy nhất tại monkeydtruyen.com - https://monkeydtruyen.com/index.php/hoang-hau-chay-tron/chuong-82.html.]
Chung ma ma ở nhà, chỉ có Đào Nhi và Xuân Lai đi theo Trịnh thị.
Phó Nhiêu cũng không vội vã rời đi, mà đi theo Trịnh thị và Phó Khôn bước ra hành lang, vịn cột hành lang dõi theo bóng lưng hai người, chỉ thấy Phó Khôn vừa nói vừa cười với Trịnh thị, vóc dáng cao gầy, đong đưa như trúc, đã có phần chín chắn khác hẳn thiếu niên cùng tuổi.
Hồi lâu sau Phó Nhiêu mới hoàn hồn, vịn cánh tay Thu Hương, hơi mệt mỏi nói: “Chúng ta đi Quan Âm Đường trước, ta muốn cầu bình an phù hộ cho đứa bé.”
Thu Hương đáp vâng, cùng nàng vòng qua Đại Hùng Bảo Điện đông người, đi về phía Tây và rẽ qua một cái sân nhỏ, lại lên hành lang hướng Tây, đi đến Quan Âm Đường ở hậu viện chùa Đại Báo Ân.
Bên này ít người, đi ngang qua một Phật đường nhỏ, tình cờ nghe thấy bên trong có vài tiếng nói chuyện xì xào.
“Sao ngươi lại ở trong này? Hôm nay Thái Hoàng Thái Hậu đến chùa Đại Báo Ân cầu phúc, ngươi không đến Bảo Điện hầu hạ mà tới đây lười biếng sao?”
Một giọng nói trẻ cười hì hì đáp: “Chuyện tốt thế làm gì đến lượt đệ? Đám sư huynh, sư đệ ở Đông viện kia ai nấy cũng giành vỡ đầu...” Không đợi người lớn tuổi hơn đáp lời, y lại khép tay áo tự rót một chén trà nóng, lén nhìn vị tăng nhân đang nhắm mắt tĩnh toạ nói: “Sư huynh, Thái Hoàng Thái Hậu giá lâm, e là cầu phúc cho dịch bệnh ở Đàm Châu là giả, phê mệnh cho Trầm cô nương mới là thật.”
Vị tăng nhân lớn tuổi nghe vậy, nhíu mày, mở mắt thấp giọng trách cứ: “Ăn nói thận trọng, việc của hoàng gia, không tới phiên ngươi xen vào!”
“Chuyện này có gì đâu?” Có vẻ vị tăng nhân trẻ tuổi bất mãn với lời khiển trách của sư huynh, hừ nhẹ một tiếng: “Ai mà không biết Thẩm gia lăm le vị trí Hoàng hậu, chẳng phải mệnh Phượng Hoàng của Hoàng Thái Hậu năm đó cũng là như vậy mà ra ư?”
Vị Tăng nhân lớn tuổi nghe y càng nói càng quá phận, tức giận nâng án lên, tay cầm mõ cá gõ đầu y: “Ngươi có thời gian mồm mép ghê nhỉ, chi bằng chép thêm kinh thư cầu phúc cho dịch bệnh ở Đàm Châu đi, trận dịch bệnh lần này ập đến dữ dội, nghe đâu đêm qua công báo đưa tới Thông Chính Ty, bệ hạ triệu tập quần thần nghị sự suốt đêm, mùa màng năm nay không tốt, trước đó có dịch bệnh lũ lụt ở Gia Châu, nay Đàm Châu lại bùng phát dịch bệnh, sợ là năm nay sẽ khó khăn...”
Vẻ sầu lo đè nặng trên lông mày của vị tăng nhân lớn tuổi.
Tăng nhân trẻ tuổi tránh thoát mõ cá, tựa người ở cửa hừ nhẹ nói: “Đàm Châu cách kinh thành hơn một ngàn dặm, cái bánh nướng này không đến đầu chúng ta đâu, sư huynh, mệnh của huynh là ăn cơm canh đạm bạc, làm trung tâm của điện Kim Loan...” Mắt thấy mõ cá kia lại sắp đập về phía mình, y cười khẩy một tiếng, nhanh chóng nghiêng mình trốn ra ngoài cửa.
Gió lạnh thổi bay những chiếc lá khô trên cây, vài phiến lá long não bay lơ lửng trong không trung một lúc rồi rơi xuống bờ vai Phó Nhiêu.
Nàng sững sờ tại chỗ.
Đàm Châu xảy ra dịch bệnh?
Từ nhỏ đến lớn, nàng đã trải qua hai đợt dịch bệnh, một lần là dịch tả Giao Châu năm đó, một lần là dịch ở Gia Châu cách đây không lâu, không ai rõ một trận bệnh dịch sẽ gây ra biết bao thương vong, sẽ khiến dân chúng khủng hoảng biết chừng nào hơn một thầy thuốc như nàng.
Mang trong mình sứ mệnh của người thầy thuốc khiến nàng muốn lao tới Đàm Châu ngay lập tức, nhưng nghĩ đến đứa con trong bụng và Thánh thượng, nàng cũng biết lần này sợ là không tới lượt mình.
Khoảnh khắc nàng sững sờ, Thu Hương ở bên cạnh cũng lộ vẻ khiếp sợ, tâm sự nặng nề.
Đêm qua trong cung đưa tin tới, Hoàng đế có ý định lập Phó Nhiêu làm hậu, Tôn công công dặn dò nàng ấy nhất định phải chăm sóc tốt cho Phó Nhiêu, không được xảy ra chuyện bất trắc.
Ngày mai chính là lễ đại triều sóc vọng(*), ngay thời điểm mấu chốt này, Thái Hoàng Thái Hậu mượn chiêu bài cầu phúc cho tình hình dịch bệnh Đàm Châu, đến chùa Đại Báo Ân này phê mệnh cho Thẩm Dữu, đến lúc đó phê ra một quẻ mệnh Phượng Hoàng, bách tính bàn tán xôn xao, hơn phân nửa văn võ bá quan cũng sẽ thuận theo tình thế mà làm.
(*)Sóc vọng: Sóc chỉ ngày mồng một, Vọng chỉ ngày rằm (theo âm lịch).
Thu Hương lo lắng trong lòng, chỉ mong bệ hạ anh minh, sớm có kế sách ứng phó.
Bữa sáng Phó Nhiêu ăn không nhiều lắm, bây giờ lại đói, nàng mệt mỏi dựa sát vào người Thu Hương, Thu Hương hoảng sợ, vội vàng ôm lấy nàng: “Cô nương, người làm sao vậy?”
Phó Nhiêu đưa tay chống trán, uể oải nói: “Đến Quan Âm Đường nghỉ ngơi một lát.”
Thu Hương lập tức dìu nàng đi ra sau.
Phía trước là tường vàng ngói xanh, tứ hợp tiểu viện thấp thoáng dưới bóng cây cối um tùm chính là Quan Âm Đường, trong viện có một tòa tháp Quan Âm ba tầng đứng sừng sững, bên trong thờ một pho tượng Quan Âm nghìn tay.
Trong tứ hợp viện có hơn mười sương phòng lớn nhỏ, ngày thường khách hành hương có thể chép kinh thư, quỳ gối cầu phúc, chép xong kinh thư lại đến trước tượng Quan Âm đốt hương tế bái, có thể đổi lấy một lá bùa bình an.
Thu Hương đỡ Phó Nhiêu đi vào một sương phòng trống: “Người nghỉ ngơi một lát, nô tì đến phòng trà rót trà cho người.” Nói xong lập tức đi đến phòng hông cuối hành lang gấp khúc lấy trà.
Phó Nhiêu lấy bánh ngọt trong túi mà nàng chuẩn bị mang theo người, ăn trước cho đỡ đói, rồi dựa vào tiểu án cụp mắt nghỉ ngơi.
Lúc đó Thẩm Dữu đang ở phòng riêng bên cạnh Đại Hùng Bảo Điện, hầu hạ Thái Hoàng Thái Hậu uống trà.
Thái Hoàng Thái Hậu cầm chén trà, thổi hơi nóng, lạnh nhạt nói: “Vậy Phó thị đã đến chưa?”
Thẩm Dữu cung kính đáp: “Đến rồi, bị người của con chặn ở ngoài điện Tập Hiền, bây giờ đi ra đằng sau, con sẽ không để nàng ta đến điện Tập Hiền.”
Thái Hoàng Thái Hậu gật đầu, sáng sớm bà đã tới đây cầu phúc, vất vả cả buổi, mệt mỏi rã rời, nhưng bây giờ còn một việc quan trọng nhất phải làm, bà đành phải cố gắng sốc lại tinh thần, đỡ cánh tay Thẩm Dữu đứng dậy: “Đi, chúng ta đến điện Tập Hiền.”
Điện Tập Hiền là bảo điện có mái hiên năm tầng theo dạng kiến trúc hiết sơn đỉnh, chính điện nguy nga cao rộng, chính giữa là một tượng Phật trang nghiêm đứng sừng sững, bên dưới tượng Phật bày một đài cao vàng óng ánh, bấy giờ vị cao tăng mặt mũi hiền từ đang ngồi trên đài cao kia, xem tướng cho từng quý nữ hoặc thiếu gia.
Khoảng đầu giờ Ngọ, tin tức Thẩm Dữu được phê mệnh Phượng Hoàng truyền khắp chùa Đại Báo Ân.